Lạm phát là gì? Tìm hiểu nguyên nhân, tác động dẫn đến lạm phát
Lạm phát là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của nền kinh tế. Điều này làm cho lạm phát trở thành một vấn đề quan trọng mà cả nhà đầu tư và người tiêu...
Đăng bởi:Trang Bùi Thiên | 25/07/23 17:35
Lạm phát là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của nền kinh tế. Điều này làm cho lạm phát trở thành một vấn đề quan trọng mà cả nhà đầu tư và người tiêu dùng cần quan tâm. Index Money sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về lạm phát, nguyên nhân gây ra lạm phát và tại sao nó đáng được quan tâm.
Lạm phát là gì?
Lạm phát là sự tăng liên tục giá cả hàng hóa và dịch vụ theo thời gian, gây mất giá trị của đơn vị tiền tệ. Khi mức giá tăng, đơn vị tiền tệ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn, làm giảm sức mua của nó.
Tăng giá hàng hoá
Lạm phát là hiện tượng tăng giá của hàng hóa và dịch vụ trên thị trường. Khi một số hàng hóa như mỳ tôm tăng giá, cùng với việc nhiều hàng hóa khác cũng tăng giá, chúng ta gọi đó là lạm phát. Thông thường, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được sử dụng để đo lường mức độ lạm phát.
Tuy nhiên, không phải tất cả hàng hóa và dịch vụ đều tăng giá cùng một tỷ lệ. Chỉ cần mức giá trung bình của nhiều hàng hóa tăng lên thì đã được coi là hiện tượng của lạm phát. Điều quan trọng là lạm phát không đơn thuần chỉ là sự tăng giá mà là sự tăng giá liên tục của hàng hóa và dịch vụ.
Suy giảm sức mua trên cùng một đơn vị tiền tệ
Lạm phát là hiện tượng giảm sức mua của đồng tiền trong nước so với loại tiền tệ khác. Điều này dẫn đến việc một đơn vị tiền tệ chỉ mua được ít hàng hoá và dịch vụ hơn. Ví dụ, trước đây với 5.000 đồng, bạn có thể mua một gói mỳ tôm, nhưng khi có lạm phát, 5.000 đồng chỉ mua được nửa gói.
Lịch sử cũng chứng minh nhiều đồng tiền giảm sức mua một cách nghiêm trọng. Vào năm 1989, giá một kg thịt bò tại Nam Tư là 600.000 dinar, nhưng vào năm 1994, giá cùng một kg thịt bò đã tăng lên 10.000.000 dinar. Điều này khiến giá trị đơn vị dinar suy giảm đáng kể, khiến việc mua thịt bò với 600.000 dinar trở nên không thể thực hiện được.
Nguyên nhân, tác động dẫn đến lạm phát và tác động đến nền kinh tế
Nguyên nhân lạm phát
Lạm phát có thể xuất hiện vì một số lý do sau: nhu cầu tiêu dùng tăng đột ngột, khiến giá cả tăng cao và doanh nghiệp phải cung ứng hàng hóa và dịch vụ nhiều hơn, tăng việc làm và giảm thất nghiệp.
Ngoài ra, có thể do giá cả các yếu tố sản xuất như tiền lương, thuế và giá nguyên vật liệu tăng. Điều này gây ra chi phí sản xuất cao, giảm lượng hàng hóa doanh nghiệp cung cấp và tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Tác động của lạm phát đến nền kinh tế
Lạm phát trong nền kinh tế được coi là tồn tại bình thường, thường duy trì ở mức dưới 10% mỗi năm đối với các nước đang phát triển. Tuy nhiên, khi vượt quá mức này, nó sẽ gây ra những hệ lụy và ảnh hưởng đến phân phối tài sản không cân đối, ví dụ như các hợp đồng tín dụng dài hạn.
Mức lạm phát thường được tính dựa trên tỷ lệ dự tính. Nếu thực tế cao hơn dự tính, các người đi vay, ngân hàng và doanh nghiệp sẽ có lợi, trong khi người cho vay, người gửi tiết kiệm và người lao động nhận lương cố định chưa điều chỉnh theo lạm phát sẽ gánh chịu tổn thất.
Lạm phát làm tăng số tiền cần thiết để mua hàng hóa, khiến chúng ta phải vay tiền từ tổ chức tín dụng hoặc các doanh nghiệp phải tăng vốn để nhập nguyên vật liệu và duy trì hoạt động kinh doanh.
Vay nợ quá nhiều khiến ngân hàng phải tăng lãi suất, gây áp lực cho doanh nghiệp. Nếu lãi suất tăng mạnh và doanh nghiệp sử dụng số tiền vay để kinh doanh không thu lãi đủ để trả nợ, nền kinh tế có thể suy thoái vì sản xuất bị giảm.
Kết quả là số người thất nghiệp gia tăng, đời sống người dân khó khăn, thu nhập giảm. Lạm phát xảy ra, tài sản tích tụ ở người giàu trong khi người nghèo khó mua hàng hóa thiết yếu hàng ngày.
Lạm phát có thực sự là “Tệ”
Trong điều kiện bình thường, nền kinh tế thường duy trì mức lạm phát phù hợp. Nếu bằng 0 hoặc giảm (gọi là lạm phát âm), nền kinh tế sẽ trì trệ. Mặc dù nhiều người nghĩ giá hàng hóa giảm sẽ có lợi, thực tế không phải như vậy.
Trạng thái giảm phát cũng đem đến những tác động xấu cho nền kinh tế, như gia tăng thất nghiệp, tắc nghẽn vốn và sụp đổ của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, các quốc gia luôn cố gắng kiểm soát chứ không tiêu diệt nó.
Với cá nhân, khi lạm phát tăng, gửi tiền ngân hàng trở nên hấp dẫn vì lãi suất tiền gửi cao để kiềm chế. Ví dụ, với lãi suất 14% trong giai đoạn 2008-2014, số tiền gửi 500 triệu đồng có thể nhân đôi chỉ sau hơn 5 năm.
Kết luận
Lạm phát là yếu tố vĩ mô quan trọng, ảnh hưởng đến quản lý tài chính cá nhân. Tuy nhiên, hãy nhìn nhận như một cơ hội. Khi lạm phát thấp, bạn có thể mua hàng hóa giá rẻ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiết kiệm tiền. Nếu lạm phát cao, hãy đầu tư vào các tài sản có giá trị hoặc nhân đôi số tiền trong ngân hàng nhanh chóng.